Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Nho lâm ngoại sử, Hồng lâu mộng đã được liệt vào kho tàng văn hóa của Trung Quốc, đồng thời cũng là tài sản văn hóa của thế giới. Tam quốc diễn nghĩa (thường gọi tắt là Tam quốc) là một trong những tiểu thuyết ra đời sớm nhất, được phổ biến rộng rãi và được nhân dân Trung Quốc và thế giới yêu thích.

Tiểu thuyết sử thi Tam Quốc bao quát cả một thời kỳ lịch sử gần một thế kỷ (từ 184 đến 280 sau Công nguyên). Ba nước Ngụy, Thục, Ngô hình thành thế chân vạc trong quá trình đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân và trong cuộc hỗn chiến giữa các chư hầu với nhau.

Dựa vào những cuốn biên niên như Hậu Hán thư (Phạm Vĩ), Tam quốc chí (Trần Thọ), Tam quốc chí chú (Bùi Tùng Chi) và đặc biệt dựa vào những tác phẩm văn học dân gian, nhà văn La Quán Trung với tài năng sáng tạo của mình đã viết nên bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ này.

Có rất ít tư liệu nói về cuộc đời nhà văn. Ta chỉ biết ông tên Bản, tự là Quán Trung, biệt hiệu là Hồ Hải tản nhân. Ông người Sơn Tây, sau chuyển xuống sống ở Tiền Đường thuộc thành phố Hàng Châu (Chiết Giang), một trong những trung tâm văn hóa thời bấy giờ. Ông sinh và mất vào khoảng cuối Nguyên, đầu Minh (1330?-1400?)