Người Là Cuộc Tu Hành Đẹp Nhất Kiếp Này Của Tôi Bởi Nhã Tâm

LifewithBook LifewithBook
659 0 0

Nếu được hỏi “Tên của cuốn sách làm bạn ấn tượng nhất ở thời điểm hiện tại?”, có lẽ, cái tên đầu tiên bật trong đầu tôi chính là “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi” – cuốn sách vừa được xuất bản của tác giả Bạch Lạc Mai – một trong những tác giả với dòng tản văn an yên mà tôi yêu thích nhất.

Nếu là một người yêu thích văn hóa Trung Quốc hay thường xuyên theo dõi, tìm tòi về Trung Quốc, thì cái tên Bạch Lạc Mai dường như chẳng còn xa lạ nữa rồi. Cụ thể hơn, cô chính là tác giả của một số tác phẩm khá nổi tiếng đã được xuất bản tại Việt Nam như: “Duyên”, “Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi”, “Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên”,… Với giọng văn nhẹ nhàng, cùng những câu từ chọn lọc kỹ càng, Bạch Lạc Mai hoàn toàn dẫn lối người đọc vào chính sự thanh thản, phong trần, phiêu du nơi ngôn ngữ của chính mình. Bất kỳ khi nào, bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể tùy tiện dở một trang sách của cô ấy, không cần hiểu hết nội dung phía trước đã viết gì, phía sau diễn biến sẽ ra sao, mỗi một trang sách, mỗi một con chữ mà Bạch Lạc Mai viết lên đều thu hút được độc giả, không vì gì cả, chỉ do đó là chất riêng của Bạch Lạc Mai: nhẹ nhàng, tĩnh lặng, thanh thản.

Đến với “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi”, Bạch Lạc Mai vẫn giữ nguyên được sự nhẹ nhàng của mình qua từng câu văn. Và phần truyện làm tôi ấn tượng hơn cả chính là “Chim én trước nhà Vương nhà Tạ”.

"Lưu Vũ Tích thời Đường có thơ rằng: “Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, phi nhập tầm thường bách tính gia”. Nghĩa là nhân thế nhiều biến đổi, bãi bể hóa nương dâu, chim én ở những nhà hào môn khi xưa dễ dàng đổi chủ, rơi vào nhà dân bình thường."

Trong câu chuyện, người bố là con trai của một nhà địa chủ, có cuộc sống giàu có ấm no. Nhưng ngay như lời giải thích ở đầu, "chim én nhà hào môn dễ dàng rơi vào nhà dân", người bố cũng vậy, từ cuộc sống no đủ xảy ra biến cố, thành một kẻ nghèo làm đậu phụ, sau đó trở thành một người học Đông Y, cuộc sống gắn liền với thảo dược.

Ngay cả đến nhà bố còn không mua được, cho đến khi mẹ của "tôi" xuất hiện mang lại cho bố hạnh phúc của tổ ấm.

Giọng văn nhẹ nhàng mà có chút gì đó hoài niệm như dẫn ta đến với một câu chuyện ngọt ngào, mà thanh bình. Cùng nhau giúp người chữa bệnh, cùng nhau bốc thuốc, cùng nhau sinh một đứa nhỏ.

Mẹ thấu hiểu bố, sẻ chia với bố. Bố tuy vẫn có khiếm khuyết nhưng yêu mẹ. Khi kể về bố mẹ, nhân vật "tôi" luôn kể bằng giọng điệu rất tự hào, có lẽ không phải tự hào vì bố mẹ là người xuất chúng mà tự hào về tình yêu của hai người dành cho nhau, cái tình yêu bình lặng, giản dị nhưng không hề tầm thường, chỉ cần bên nhau, chỉ cần nhìn thấy nụ cười của người kia mỗi ngày là lòng tràn ngập ánh nắng, niềm vui lan tỏa, trái tim ấm áp.

Cho đến khi tuổi già, cho đến khi bố không còn trẻ khỏe nữa, cho đến khi biến thành một người cách biệt với xã hội. Vẫn chỉ có mẹ ở bên bố, bầu bạn tới cuối đời. Phải chăng đó là tình yêu chân chính mà mọi người thường hay nhắc tới ? Cùng nhau trải qua phần đời còn lại, cùng nhau già đi. Nhân vật "tôi" ngưỡng mộ điều đó, tôi cũng vậy.

Cuốn "Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi" của Bạch Lạc Mai là một cuốn sách mà tôi nghĩ rằng ai cũng nên đọc một lần trong đời, nó giúp tâm hồn ta trở nên thư thái, đắm chìm trong những câu chuyện gần gũi mà bình dị, nhẹ nhàng mà mang ý nghĩa lớn lao, đầy sâu sắc. Nếu giữa những tháng năm xô bồ tấp nập ấy, bạn cần điều gì đó cho tâm tĩnh lại, hãy lựa chọn cuốn sách này. Tin tôi đi, bạn sẽ không phải hối hận đâu.

Tặng bạn một câu trích mà tôi thích nhất:

"Ngày tháng bình thường chẳng cần quá nhiều những đường mật dịu dàng, có lúc, chỉ một ánh mắt ấm áp, một nụ cười mỉm tinh khôi, là đủ rồi."

Tác giả: Nhã Tâm - LifeWithBook - Hội những người thích đọc sách

Top